Thật khó nói hết niềm vui của gia đình chị Vương Thị Dung (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày được đón bé gái đầu lòng ra viện. Bởi đây là em bé sinh ra rất non tháng, mới ở tuần thứ 26 và nặng có... nửa kg, thuộc hàng nhẹ nhất ở Việt Nam.
Chăm sóc các “thiên thần tí hon” - muôn vàn thách thức
Sau 5 tháng được điều trị và chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cháu bé đã phát triển bình thường, tự bú mẹ được và cân nặng đạt 2.700gr. Bế con trên tay mà chị Dung hạnh phúc nghẹn ngào vì ngỡ như một giấc mơ. Đây cũng là một kỳ tích mới của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Ngày Bệnh viện tiễn cô bé “tí hon” về nhà, ông bà, bố mẹ cô bé đều có mặt với sự mong ngóng, đợi chờ. Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng hân hoan không kém. Gần nửa năm gắn bó, em bé đã trở thành người thân của các thầy thuốc tự bao giờ... Bố bé tặng hoa PGS.TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương với niềm xúc động nghẹn ngào.
TS. Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, cho biết: Vợ chồng chị Dung bị hiếm muộn và rất khó khăn mới có được bé. Thế nhưng, khi thai nhi mới được hơn 6 tháng, chị Dung đã chuyển dạ. Cháu bé ra đời vào ngày 26-1-2018, chỉ nặng 500 gram, trong tình trạng rất yếu, do tất cả các cơ quan như gan, thận, não, phổi, tuần hoàn đều vô cùng non yếu. Hệ thống hô hấp chưa hoàn thiện nên bé bị tím tái, thở thoi thóp, tim rời rạc và phản xạ yếu.
Do tiên lượng được tình hình nên ngay từ lúc bé chuẩn bị chào đời, Trung tâm đã cử một bác sĩ có mặt ở phòng đẻ để ngay lập tức đón cháu về Trung tâm theo dõi, chăm sóc và điều trị, kết hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Theo TS. Lê Minh Trác, người đã được tu nghiệp tại Mỹ về công tác chăm sóc và điều trị trẻ sinh non, việc chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng các bé sinh non, nhẹ cân vô cùng khó khăn, vất vả. Các bác sĩ phải theo dõi từng phút, từng giờ trong các điều kiện ngặt nghèo về vệ sinh và y tế.
Bé Gấu ra viện.
Với các bé sinh non, lại nhẹ cân ở mức 500gram thì càng nhiều thách thức, vì nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Các nguy cơ ngay sau sinh với các bé này rất cao, như bị ngạt, bị suy hô hấp, hạ thân nhiệt, hay gặp các xuất huyết đặc biệt nguy hiểm như xuất huyết não, phổi. Việc nuôi dưỡng cũng rất khó khăn vì các bé dễ bị viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, chưa kể các rối loạn chuyển hóa đường, điện giải, canxi, hay bị vàng da, tan máu, thiếu máu.
Cho dù đã cứu được lúc sơ sinh thì vẫn còn nhiều nguy cơ về sau với các bé như bại não, hoặc tàn tật, giảm vận động; tăng động, giảm chú ý, khó khăn học tập; bị xơ phổi hay bệnh lý võng mạc ở trẻ non tháng có thể gây mù lòa. Các bé cũng dễ bị nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, béo phì, còi xương, đái đường, cao huyết áp. Đặc biệt, tỷ lệ đột tử cao ở các cháu bé này... Để giải quyết tốt những nguy cơ đó, đòi hỏi phải được can thiệp từ sớm.
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Ngọc Lợi, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, để cứu sống một trẻ sinh non, đặc biệt nhẹ cân, thì ngay từ những giây đầu đời đã phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ sơ sinh để kịp thời xử trí. Vì thế, khi các bé sinh non nhẹ cân ra đời đã phải có một bác sĩ của Trung tâm túc trực cùng bác sĩ sản khoa để đón bé, đảm bảo cho bé được giữ ấm, chống nhiễm trùng.
Việc chăm sóc dinh dưỡng cho các bé hết sức tỉ mỉ, khoa học: Một ml sữa được cho ăn nhỏ giọt trong 3 giờ. Để đảm bảo tốc độ chính xác, các thầy thuốc phải sử dụng bơm tiêm điện để bơm sữa cho các bé. Một ngày, mỗi bé ăn 8ml và lượng sữa được tăng lên dần theo ngày tuổi. Mà, như TS. Trác cho hay, những em bé sinh non, đùi chỉ bé bằng ngón tay út nên mạch máu của các bé cực kỳ nhỏ, khiến cho việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch vô cùng gian truân.
Đến khu vực chăm sóc các bé sinh non dưới 1kg ở Trung tâm, sẽ phần nào thấy được điều TS. Trác nói. Các em bé sơ sinh nhỏ xíu nằm trong những chiếc lồng ấp, quanh người chằng chịt các loại dây nhỏ như sợi cước, nối với máy thở, máy lọc máu, máy điện tim, dây truyền dinh dưỡng...
Tất cả các phòng ở Trung tâm được thực hiện chống nhiễm trùng nhiều tầng, vì đây là vấn đề then chốt của điều trị cho các bé sơ sinh non tháng nhẹ cân. Trước khi vào làm nhiệm vụ, các nhân viên đều phải tuân thủ yêu cầu vô trùng tuyệt đối, từ sử dụng quần áo tiệt trùng đến sát trùng rửa tay. Không chỉ dụng cụ, trang thiết bị y tế được sát trùng thường xuyên, mà các phòng điều trị cũng phải được sát trùng 4-6 tuần/lần, cùng hệ thống máy tiệt khuẩn không khí các phòng.
Người nhà các bé cũng phải cách ly và chỉ được thăm theo giờ, mà vẫn phải đi bốt, đeo khẩu trang, sát trùng tay. Vì thế, nhiều bà mẹ chỉ khao khát một lần được bồng con trên tay mà còn khó.
TS. Trác cho biết, để chăm sóc các bé, Trung tâm phải áp dụng hàng loạt kỹ thuật nhằm hạn chế nguy cơ: Hồi sức tốt sơ sinh ngay từ phòng đẻ và chống suy hô hấp: thở máy, bơm surfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở. Các bé được nuôi trong lồng ấp để giữ ấm và cách ly môi trường.
Cùng với việc nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo và kỹ thuật vô trùng, là chiến lược ăn sữa mẹ sớm, tăng dần từng ngày, cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da.
Tôi đứng trong phòng một lúc, mà thấy nhân viên liên tục theo dõi các bé rất sát sao, đo và ghi chép từng chỉ số thay đổi, đều đặn, tỉ mỉ từng bữa ăn, giấc ngủ, từng diễn biến đặc biệt nhất. Rồi cho ăn, bơm thuốc, vô cùng cẩn trọng với yêu cầu không được sai sót dù rất nhỏ. Vì ở đây, một hoạt động nhỏ đều liên quan đến sinh tử của các cháu bé.
Những kỳ tích ngang tầm thế giới
Việc chăm sóc các bé đòi hỏi cả sự tận tụy, chu đáo và yêu cầu các kỹ thuật cao. Vì thế, theo TS. Trác, ở Mỹ, để nuôi được một bé sinh non nặng 500 gram khỏe mạnh và ra viện, chi phí lên tới 1,8 triệu USD. Thế nhưng, ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chi phí chỉ khoảng 200 - 300 triệu đồng. Chứ nếu với chi phí 1,8 triệu USD cho mỗi bé, chắc ít gia đình chịu nổi để quyết tâm cứu các “nhóc tì tí hon”.
PGS.TS Vũ Bá Quyết cho biết, đây không phải lần đầu Bệnh viện cứu sống trẻ sơ sinh đặc biệt non tháng, nhẹ cân ở mức 500 gram. Mà với trang bị kỹ thuật hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ có trình độ kỹ thuật cao của Bệnh viện, rất nhiều cháu bé sinh non tháng, đặc biệt nhẹ cân đã được cứu sống.
Mỗi năm, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh của Bệnh viện tiếp nhận khoảng 25.000 - 26.000 ca sơ sinh, trong đó, các cháu sơ sinh nhẹ cân, non tháng cũng khoảng 4.000 ca. Mà 30% số này có cân nặng dưới 1.500 gram, tuổi thai dưới 30 tuần. Hiện, Trung tâm đang có gần 300 trẻ sơ sinh sinh non nhẹ cân, trong số này có khoảng 80 cháu dưới 1 kg, trong đó, 20 cháu chỉ nặng 600-700 gam.
Theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, Bệnh viện dành khu vực tốt nhất cho Trung tâm với các ưu tiên tối đa về kỹ thuật và đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề. Mỗi cháu bé sơ sinh sinh non, cực nhẹ cân phải có nhiều nhân viên y tế phục vụ, để đảm bảo các cháu được chăm sóc tốt nhất.
Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, nếu không bắt nguồn từ chữ “tâm” của người thầy thuốc, để ngày ngày thức khuya dậy sớm, nâng từng bữa ăn, giấc ngủ cho các bé, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, thì làm sao có được những điều kỳ diệu như thế.
“Ở Mỹ, nơi có các kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh hiện đại nhất thế giới, tỉ lệ nuôi thành công các bé sinh non tháng, nặng 500 gam hiện là 41%, thì ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỉ lệ này là 31%, tăng cao so với năm 2011 mới chỉ là 18%. Đây là một con số đáng tự hào trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của Việt Nam thua xa Mỹ” - TS. Lê Minh Trác cho hay.
Bé 500g đầu tiên giờ đã khỏe mạnh.
Kỳ tích đầu tiên trong việc cứu sống cháu bé sinh non, nặng 500gam được lập vào năm 2010. Đó là bé Bùi Thị Gái (TP Hải Dương) sinh ra khi mới 25 tuần tuổi thai, nặng 500gram. Đây là 1 trong 10 thành tựu của ngành y tế năm 2010. Khi sinh ra, bé bị tím đen, rúm ró do xuất huyết dưới da và hô hấp kém. Suốt hơn 1 tháng trời bé không mở được mắt, cũng không tiểu tiện, đại tiện được mà phải dùng phương pháp nhân tạo...
Đặc biệt là bộ phận hô hấp của bé vô cùng yếu ớt, thỉnh thoảng mới nấc được một cái. Được các bác sĩ điều trị và nuôi dưỡng thành công, nay cháu đã 8 tuổi và đang đi học, phát triển bình thường tại Hải Dương.
Năm 2015, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đã tiếp tục lập được một thành tựu khoa học mới khi đã nuôi dưỡng thành công cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm có tuổi thai thấp nhất tại Việt Nam là 24 tuần tuổi thai, một bé cân nặng 500 gram và một bé 600 gram. Đây cũng là 1 trong 10 thành tựu của ngành y tế năm 2015.
Chị Hồ Thị Hải Yến (Thái Thụy, Thái Bình), mẹ của cặp song sinh Giang Thiên Ân và Giang Thiên Bảo kể lại, khi sinh xong, nhìn con chỉ nhỉnh hơn chiếc bơm tiêm 50ml, chị chỉ biết khóc, nhất là khi bác sĩ cho biết các cháu bị suy hô hấp nặng, thoi thóp, thở nấc, nhịp tim rời rạc, phản xạ yếu. Vì thế, ngay khi sinh, lập tức các bé được bác sĩ của Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đón sang điều trị.
TS. Trác nhớ lại: Sau khi 2 bé được sinh ra, bà của các cháu vào thăm. Nhìn các cháu quá nhỏ và quá yếu, bà đã “sốc” đến mức ngất ngay tại chỗ, khiến các bác sĩ phải cấp cứu cho bà. Thế mà chỉ sau hơn 3 tháng, các bé đã lớn gấp 5 lần lúc sinh và giờ đây, cả hai cháu đều đang phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần.
Năm 2016, Bệnh viện thêm một lần khẳng định uy tín trong việc điều trị, chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân bằng việc cứu sống bé Trần Gấu, con của Thiếu úy Công an Đậu Thị Huyền Trâm bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Bé sinh ra khi mới 27 tuần tuổi thai, lại nhẹ cân, phù thai. Vì thế, ngay khi mẹ cháu chuẩn bị sinh, bác sĩ của Trung tâm đã phối hợp với bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đón bé về Trung tâm điều trị ngay từ phút chào đời. Bé rất yếu do chịu di chứng bệnh tật từ người mẹ, nên việc chăm sóc cháu đặc biệt khó khăn.
Nhưng, từ kinh nghiệm của các trường hợp sinh non, nhẹ cân đã được cứu sống, các bác sĩ của Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh tiếp tục chăm sóc thành công để sau 3 tháng, bé Gấu đã được ra viện và hiện nay, cháu đang sống khỏe mạnh cùng gia đình ở Hà Tĩnh.
Năm 2017, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh lại đón nhận 2 trường hợp sinh tư cân nặng 900 gram đến 1.500 gram, thai 30 và 33 tuần. Các bé cũng bị suy hô hấp sau đẻ, phải thở máy. Hành trình cứu sống các bé cũng đầy gian nan, nhưng rồi các cháu đều khỏe mạnh, được ra viện và hiện tại, cả 4 cháu đều phát triển bình thường.
6 tháng đầu năm 2018, đã có 3 trẻ nặng 500 gram, trong đó có 2 trẻ sinh đôi và gần 20 trẻ có cân nặng chỉ 600 - 700 gram đã được cứu sống và hiện các cháu đều đã khỏe mạnh, được ra viện.
TS. Lê Minh Trác chia sẻ: Kỹ thuật chăm sóc trẻ non tháng ở đây là cả một hệ thống. Điều khó khăn nhất là những trẻ sinh non thường gặp nhiều nguy cơ và về lâu dài, nguy hiểm vẫn luôn rình rập các bé như võng mạc bẩm sinh, điếc, bại não, kém phát triển về thể chất. Vì vậy, việc chống suy hô hấp, ổn định thân nhiệt và chống nhiễm trùng, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ... rất quan trọng.
Nhưng nhờ áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến, cơ sở hạ tầng đổi mới, với tấm lòng tận tâm của từng thầy thuốc, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã luôn giành giật để đạt được tỷ lệ sống của trẻ nhẹ cân, non tháng từ 1.000 -1.500 gram tới gần 90% và tỷ lệ sống của trẻ dưới 1.000 gram gần 30%.
Với những nỗ lực vượt bậc cùng sự tận tâm của từng thầy thuốc ở Trung tâm, sau gần 10 năm thực hiện, giờ đây, việc chăm sóc và điều trị các bé sinh non, nặng 500 gram đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tạo cơ hội sống cho nhiều em bé.
Những kết quả trong việc điều trị, chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt nhẹ cân, non tháng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đặc biệt có ý nghĩa, khi mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình hiếm muộn. Từ đó, tạo dựng được lòng tin của người bệnh với các thầy thuốc.
PGS.TS. Vũ Bá Quyết cũng cho biết, từ những thành công này, Bệnh viện sẽ chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện khác, để tỉ lệ trẻ sinh non, nhẹ cân được cứu sống nhiều hơn.